Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản liên quan
Sáng ngày 28/11/2023, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản liên quan theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối đến 63 điểm cầu tỉnh, thành phố, các địa phương trực thuộc.
Tham dự có đồng chí Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội vụ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư.
Tại điểm cầu UBND xã có đồng chí Đỗ Văn Hữu - Bí thư ĐU xã, đ/c Đỗ Trung Kiên - Phó Bí thư TT ĐU, đ/c Phạm Mạnh Thường - Chủ tịch UBND xã, cùng các đồng chí trong BCĐ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chủ tịch, phó chủ tịch UB MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo và viên chức làm công tác tham mưu về dân chủ ở cơ sở tại các trường: Mầm non, Tiểu học, THCS, Trạm y tế xã.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV ban hành ngày 10/11/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, gồm 6 Chương, 91 Điều. Để triển khai thi hành Luật, các đại biểu đã được phổ biến, quán triệt chuyên đề cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; nội dung Nghị định số 59/2003/NĐ-CP ngày 14.8.2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16.8.2023 của Chính phủ quy định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
Tại Hội nghị, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đã tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung cần làm rõ để phục vụ công tác tham mưu, tổ chức triển khai, thực hiện Luật và các văn bản liên quan tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường nhấn mạnh: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở kế thừa, phát triển và hoàn thiện những quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, tăng cường pháp chế, kỷ cương xã hội, tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân./.